Tóm tắt
Mở đầu: Bướu sợi vỏ bào nằm trong nhóm bướu mô đệm-dây giới bào của buồng trứng, chiếm tỷ lệ thấp trong nhóm bướu tân sinh của buồng trứng. Bướu có dạng đặc và lành tính nhưng chẩn đoán trước phẫu thuật thường là bướu buồng trứng ác tính, dẫn đến những can thiệp chưa phù hợp.
Nghiên cứu này nhằm mục tiêu: Khảo sát những đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và can thiệp điều trị của bướu sợi vỏ bào.
Đối tượng và Phương pháp: Báo cáo loạt ca hồi cứu 89 trường hợp bướu sợi vỏ bào đã được phẫu thuật cắt bướu từ 1/2015 đến 6/2019 tại Bệnh viện Từ Dũ với kết quả giải phẫu bệnh lý bướu sợi vỏ bào buồng trứng.
Kết quả: Tuổi trung bình của các bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu là 42,2 ± 15,7. Khoảng 41,57% bệnh nhân không có triệu chứng và đi khám định kỳ được bác sĩ sờ thấy bướu trong 80 trường hợp và một số rất ít trường hợp có kèm theo dấu hiệu báng bụng đơn thuần (1 trường hợp), dấu hiệu nghi u xoắn (2 trường hợp) và hội chứng Meigs (1 trường hợp), phát hiện khối u trong quá trình mổ lấy thai 2 trường hợp. Trên siêu âm, đặc điểm khối u phần lớn có cấu trúc dạng đặc (30 trường hợp) nhưng lại chỉ có 1 trường hợp u 2 bên, 17 trường hợp có tăng sinh mạch máu và 1 tới 2 trường hợp có chồi hay vách. Có 49 trường hợp theo phân loại IOTA được xếp vào nhóm khác với 38 trường hợp được nhận định là u xơ cơ tử cung. Có 14 trường hợp (15,73%) có chẩn đoán trước mổ là bướu buồng trứng ác tính qua hình ảnh siêu âm và cộng hưởng từ (MRI). Nồng độ CA125 trong huyết thanh của 29 trường hợp tăng cao, và có liên quan có ý nghĩa với tình trạng có hình ảnh dịch ổ bụng (p < 0,001). Phần lớn bệnh nhân được thực hiện là mổ bụng hở, thám sát khối u và dựa theo hình ảnh đại thể để quyết định phương pháp phẫu thuật. Trong các trường hợp có sinh thiết lạnh thì kết quả dẫn đường luôn là bướu lành tính.
Kết luận: Bướu sợi vỏ bào buồng trứng thường bị chẩn đoán trước mổ là u xơ cơ tử cung, bệnh lý lành tính hoặc ngược lại là bệnh ác tính - buớu buồng trứng ác tính. Để chẩn đoán chính xác trước mổ là bướu sợi vỏ bào buồng trứng cần thêm những nghiên cứu tiền cứu tìm kiếm các phương pháp tiếp cận khối u chính xác hơn và vai trò của sinh thiết lạnh trong quá trình phẫu thuật thám sát bản chất khối u trước khi có can thiệp phẫu thuật.
Tài liệu tham khảo
2. Chen H Liu Y, Shen LF (2016). Ovarian thecoma-fibroma groups: clinical and sonographic features with pathological comparison.. J Ovarian Res; 9: 81.
3. Koubaa Abdellatif Chechia(2008). Incidence, clinical analysis, and management of ovarian fibromas and fibrothecomas. Am J Obstet Gynecol; 199: 473e1-473e4.
4. Timmerman D Moerman P, Vergote I. (1995). Meigs’ syndrome with elevated serum CA 125 levels: two case reports and review of the literature. Gynecol Oncol; 59: 405-412
5. Nguyễn Huỳnh Ngọc Tân (2021).Bướu sợi vỏ bào buồng trứng trong thai kì. Tạp chí Y học TP. Hồ Chí Minh, 25: 27-32.
6. Yeon Jean Cho (2013). Clinical characteristics and surgical management options for ovarian fibroma/fibrothecoma: A study of 97 cases . Gynecol Obstet Invest; 76: 182-187.
7. Paladini D (2006). Fibroma and fibrothecoma of the ovary – clinical and ultrasound findings in a multicenter series of 63 cases. Ultrasound in Obstetrics and Gynecology; 28: 188-195.
8. Atul B. Shinagare (2012). MRI features of ovarian fibroma and fibrothecoma with histopathologic correlation. AJR; 198: 296-303.
9. Ceyhun N.(2013). Ovarian fibroma/fibrothecoma: Retrospective cohort study shows limited value of risk of malignancy index score. Australian and New Zealand Journal of Obstetrics and Gynaecology; 53: 287-292.
10. Yuanming Shen (2018). Ovarian fibroma/fibrothecoma with elevated serum CA125 level. Medicine; 97.
11. Bottoni P Scatena R. (2015). The role of CA 125 as tumor marker: biochemical and clinical aspects. Adv Exp Med Biol; 867: 229-273.
12. Tornos R.A (2011). Diagnostic pathology of ovarian tumors, Springer; 25: 98-101.

Công trình này được cấp phép theo Creative Commons Attribution-NonCommercial-NoDerivatives 4.0 International License. . p>