Nghiên cứu ảnh hưởng hội chứng chuyển hóa ở nam giới cặp vợ chồng vô sinh và kết quả thụ tinh nhân tạo
PDF

Ngôn ngữ sử dụng

Cách trích dẫn

Lê, T. T. M., Nguyễn, Đắc N., Trần, T. N. Q., & Lê, M. T. (2022). Nghiên cứu ảnh hưởng hội chứng chuyển hóa ở nam giới cặp vợ chồng vô sinh và kết quả thụ tinh nhân tạo. Tạp Chí Phụ sản, 19(3), 48-56. https://doi.org/10.46755/vjog.2021.3.1252

Tóm tắt

Mục tiêu: Nghiên cứu nhằm mục đích khảo sát ảnh hưởng của hội chứng chuyển hóa ở nam giới của các cặp vợ chồng vô sinh lên kết quả thụ tinh nhân tạo và tìm hiểu mối liên quan giữa các yếu tố khác với sự thành công của phương pháp.

Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 96 cặp vợ chồng vô sinh đã thực hiện 157 chu kỳ thụ tinh nhân tạo tại Trung tâm Nội tiết sinh sản và vô sinh, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế từ tháng 01 năm 2019 đến tháng 09 năm 2021. Các trường hợp nghiên cứu sẽ được thu thập các thông tin cơ bản, khám lâm sàng, cận lâm sàng phù hợp và diễn tiến chu kỳ điều trị thụ tinh nhân tạo, theo dõi kết quả có thai lâm sàng sau điều trị. Người nam được chẩn đoán hội chứng chuyển hóa (HCCH) theo AHA/NHLBI năm 2005. So sánh các yếu tố thuộc tiêu chuẩn chẩn đoán HCCH và các yếu tố khác ở người chồng và người vợ với kết quả thụ tinh nhân tạo, từ đó phân tích tìm mối liên quan và bàn luận.

Kết quả: Tỷ lệ mắc HCCH ở đối tượng nam giới các cặp vợ chồng vô sinh theo AHA/NHLBI năm 2005 là 22,9%(22/96). Có sự khác biệt có ý nghĩa về tỷ lệ thành công sau thụ tinh nhân tạo ở nhóm không mắc HCCH (16,0%) và nhóm mắc của đối tượng nam giới vô sinh (2,6%) với p=0,047. Nghiên cứu ghi nhận mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa nồng độ Glucose máu đói ở người chồng với tỷ lệ mang thai lâm sàng sau điều trị (p=0,019), liên quan nghịch giữa tăng Glucose máu đói ở người chồng với mật độ tinh trùng (giá trị là: rh0= -0,360, p= 0,019). Tìm thấy mối liên quan có ý nghĩa giữa độ dày nội mạc tử cung người vợ với tỷ lệ thành công sau điều trị (p= 0,025). Tuy nhiên, không ghi nhận liên quan của các yếu tố khác như độ tuổi, BMI của cặp vợ chồng với sự thành công của phương pháp (p>0,05).

Kết luận: Tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh nhân tạo ở nhóm không mắc HCCH cao hơn có ý nghĩa so với nhóm mắc HCCH. Rối loạn tăng Glucose máu đói ở người chồng giảm tỷ lệ thành công sau điều trị thụ tinh nhân tạo. Niêm mạc tử cung người vợ liên quan có ý nghĩa đến sự thành công của phương pháp.

Từ khóa

Hội chứng chuyển hóa, vô sinh nam, thụ tinh nhân tạo, bơm tinh trùng vào buồng tử cung
PDF
Creative Commons License

Công trình này được cấp phép theo Creative Commons Attribution-NonCommercial-NoDerivatives 4.0 International License. .

Download

Dữ liệu downlad không hiện hữu.